10 ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ NÚI PHÚ SĨ - NHẬT BẢN

🗻🎌10 ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ NÚI PHÚ SĨ - NHẬT BẢN 🎌🗻

Việt Nam tự hào có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương thì Phú Sĩ cũng được mệnh danh là “Núi thánh” của Xứ sở mặt trời mọc - đất nước Nhật Bản. Với vẻ hùng vĩ tráng lệ cùng với những nét đẹp tự nhiên hoang sơ, Núi Phú Sĩ được coi là biểu tượng mà ai cũng nhắc tới khi nhắc đến Nhật Bản và những tấm poster về du lịch tới đất nước này hầu hết đều sử dụng núi Phú Sĩ.

Hãy cùng #COSMOS Khám phá Núi Phú Sĩ - điểm đến đầu tiên trong Chuyên mục “Vivu vòng quanh thế giới” – với những điểm đến hấp dẫn xuất hiện vào thứ 6 hàng tuần.

Núi Phú Sĩ hay còn gọi với cái tên khác là Fuji là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản. Đây cũng là một trong những danh lam thắng cảnh và địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của Nhật Bản và “Ngọn núi thánh” này đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 2013.

Sau đây, COSMOS hân hạnh bật mí bạn một số sự thật thú vị về núi Phú Sĩ:

1. Ước tính hằng năm có hàng triệu người tới thăm và khoảng 300.000 lượt người leo lên núi Phú Sĩ và trong số này có tới 1/3 số người là những người nước ngoài.

Hành trình leo núi thường mất khoảng từ 3-7 tiếng, trong khi hành trình xuống núi thì nhanh hơn chỉ mất khoảng 2-5 tiếng. Vì ngọn núi này cao nên đường đi phải chia thành các trạm khác nhau. Du khách hay các nhà leo núi rất thích leo núi Phú Sĩ vào ban đêm bởi vì khi lên đến đỉnh, họ sẽ được chiêm ngưỡng giây phút mặt trời mọc vào buổi sớm mai. Vì lượng người leo núi rất đông nên hàng năm lượng rác thải dọc đường trên núi Phú Sĩ cũng rất lớn. Dù vậy, Phú Sĩ vẫn là một cuộc hành trình hấp dẫn.

2. Phần đất từ trạm thứ 1 tới trạm thứ 7 của núi Phú Sĩ là thuộc đất sở hữu của nhà nước nhưng từ trạm thứ 8 trở lên là phần đất tư nhân thuộc sở hữu của một ngôi đền có tên là Fujisan Hongu Sengen Taisha - ngôi đền được xây dựng nhằm xoa dịu vị thần núi giận dữ. Ngôi đền thờ thần Asama-no-okami - vị thần được cho là có khả năng chế ngự những đợt phun trào núi lửa. Ngôi đền này là biểu tượng của vùng và là đền thờ chính của hơn 1.300 ngôi đền Sengen ở Nhật Bản trong hơn 11 thế kỷ.

3. Núi Phú Sĩ nổi tiếng như vậy thì bạn có thể tổ chức lễ cưới của mình ở đây hay không ? Và câu trả lời là có, bất cứ ai đều có thể tổ chức hôn lễ ở đền Fujisan Hongu Sengen Taisha, nhưng vì ngôi đền này không lớn nên bạn chỉ có thể tổ chức lễ cưới với quy mô nhỏ khoảng 10 người. Và điều đặc biệt là cả cô dâu chú rể và cả những người tham dự lễ cưới sẽ phải tự mình leo lên núi Phú Sĩ. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với những người tham dự lễ cưới đặc biệt là cô dâu chú rể. Người ta quan niệm rằng trải qua hành trình như vậy thì cuộc sống sau hôn nhân mới gắn bó bền chặt và nếu bạn tổ chức đám cưới tại đây thì bạn cần phải đăng ký hoàn tất thủ tục với ban tổ chức đền trước ít nhất là 3 tháng. Chi phí ban đầu để làm lễ cầu nguyện ở đền khoảng 5 vạn Yên cộng thêm tiền quyên góp tùy tâm của bạn. Trung bình mỗi năm có khoảng ba đợt tổ chức lễ cưới trong các buổi leo núi. Và còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được leo núi Phú Sĩ vừa được tổ chức lễ cưới tại đây vừa có những bức ảnh đẹp tuyệt vời. Đây là một kỷ niệm trọn đời khó quên với bất kỳ ai.

4. Sự thật thú vị tiếp theo chính là núi Phú Sĩ lộn ngược, bạn đã nghe đến bao giờ chưa. Đó là hình ảnh núi Phú Sĩ được phản chiếu trên bề mặt hồ phẳng lặng và nó được gọi là núi Phú Sĩ lộn ngược. Khung cảnh tuyệt đẹp này được in trên mặt sau của tờ tiền 1000 yên. Hình ảnh lộn ngược này cũng mang đến cho người ta rất nhiều sự thú vị. Và tất nhiên rồi để nhìn thấy hình ảnh lộn ngược một cách hoàn hảo nhất thì mặt hồ phải không có gió, không có sương mù và khi đó mặt hồ phải không gợn sóng.

5. Phú Sĩ đỏ, kim cương Phú Sĩ hay Phú Sĩ ngọc trai.

Điều ấn tượng tiếp theo liên quan đến núi Phú Sĩ đó là Phú Sĩ đỏ, kim cương Phú Sĩ hay Phú Sĩ ngọc trai. Trong đó Phú Sĩ đỏ là hiện tượng xảy ra vào thời điểm bình minh từ cuối mùa hè cho đến đầu mùa thu. Khi đó, ánh nắng mặt trời lúc bình minh sẽ chiếu vào khiến cho ngọn núi có vẻ như chuyển sang màu đỏ. Đây là một hiện tượng rất hiếm gặp do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như thời tiết, mây, sương mù, cũng như vị trí của mặt trời buổi sáng. Do đó người ta nói rằng, nếu ai có thể chiêm ngưỡng cảnh này thì chắc chắn là một người gặp rất nhiều may mắn. Bởi theo quan điểm của người phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.

Tiếp theo, kim cương Phú Sĩ là một hiện tượng quang học tự nhiên được hình thành vào khoảnh khắc mặt trời mọc hoặc lặn trùng với đỉnh núi Phú Sĩ. Nhìn từ xa, hiện tượng này giống như một viên kim cương đang tỏa sáng ở trên đỉnh núi Phú Sĩ. Đây là một cảnh tượng vô cùng đắt giá mà không phải lúc nào bạn cũng được nhìn thấy vì liên quan đến quỹ đạo quay của mặt trời, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cũng như thời gian trong năm.

6. Núi Phú Sĩ trong tiếng Nhật Bản là Fujisan có cách đọc gần giống với Fuji có nghĩa là bất tử nên người ta gọi đây là ngọn núi bất tử. Từ xa xưa đã tồn tại truyền thuyết về sự bất tử của ngọn núi thiêng này. Có một câu chuyện của Nhật Bản kể về chuyện “ông lão đốn tre” hay đôi khi còn gọi là “nàng tiên trong ống tre”. Chuyện kể về một cô công chúa xinh đẹp được sinh ra từ ống tre, cô đã từ chối lời cầu hôn của Thiên hoàng và quay trở về mặt trăng nơi mình sinh ra. Thiên hoàng sau đó vì quá đau buồn đã sai binh lính đem đốt thuốc trường sinh công chúa tặng ở trên đỉnh núi Phú Sĩ, từ đó ngọn núi này được biết đến với cái tên núi bất tử.

7. Phú Sĩ Ngũ Hồ

Phú Sĩ Ngũ Hồ là tên gọi chung của năm hồ nước ngọt lớn ở chân núi Phú Sĩ, thuộc địa phận tỉnh Yamanashi. Năm hồ nước này xếp theo vị trí của chúng từ Tây qua Bắc sang Đông lần lượt là: Motosu, Shōji, Sai, Kawaguchi, và Yamanaka. Cả năm hồ đều được hình thành do núi lửa Phú Sĩ hoạt động mà tạo ra. Phú Sĩ Ngũ Hồ là một phần của Vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu. Khu vực này cũng có một địa danh mà du khách khi tới thăm Phú Sĩ cũng không thể bỏ qua, đó là làng Oshino Hakkai. Từ lâu thì làng cổ Oshino Hakkai – nơi sở hữu nét kiến trúc đậm chất Nhật Bản xa xưa, đã nổi tiếng với cảnh quan yên ả, giản dị mang đến cảm giác rất thanh bình. Đến đây du khách sẽ thấy ngay nhiều ao hồ cùng các mảng xanh cực kỳ mát mẻ, xa xa là các ngôi nhà được lợp bằng các loại cỏ cực kỳ đặc biệt.

8. Kích thước miệng núi Phú Sĩ lớn tới cỡ nào?

Nếu chỉ nhìn qua ảnh, có thể bạn thấy Núi Phú Sĩ trông cũng bình thường như bao ngọn núi khác. Tuy nhiên, những con số dưới đây sẽ làm bạn bất ngờ. Miệng núi lửa chính của núi Phú Sĩ có đường kính 780 m và sâu 240 m. Đáy của miệng hố có đường kính 100–130 m – tương đương chiều dài mặt sân của một sân vận động bóng đá theo tiêu chuẩn. Hãy tưởng tượng miệng núi Phú Sĩ với như một chiếc phễu, phần đáy phễu có đường kính là chiều dài của một sân bóng đá, và phần miệng trên cùng của phễu có đường kính gấp gần 8 lần, tức bằng chiều dài của 8 sân bóng đá cộng lại. Thật hùng vĩ phải không nào?

9. Fujifilm và Fujitsu

Núi Phú Sĩ sừng sững và là một hình ảnh biểu tượng cho sự bền vững. Chính vì vậy rất nhiều công ty và tập đoàn ở Nhật Bản sử dụng núi Phú Sĩ “Fuji” là nguồn cảm hứng để tao ra tên thương hiệu của mình. Ắt hẳn chúng ta đều đã từng nghe tới ít nhất một trong hai cái tên: Fujifilm và Fujitsu. Fujifilm hay Fuji là một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng với các sản phẩm nhiếp ảnh. Đế chế Kinh doanh tới từ Nhật Bản này có tới gần 80000 nhân viên, hoạt động trên hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Fujitsu là ông kẹ trong chuyên ngành trong lĩnh vực bán dẫn, máy tính, truyền thông và dịch vụ trên toàn thế giới hơn 170.000 nhân sự và hơn 500 chi nhánh trên toàn cầu.

10. Để kết lại cho những câu chuyện thú vị về Núi Phú Sĩ, COSMOS trân trọng giới thiệu tới bạn một bài thơ về ngọn núi này được sáng tác vào thế kỷ thứ 8 của tác giả Yamabe no Akahito.

𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂𝒏 𝒗𝒂̆𝒏 𝒕𝒊𝒆̂́𝒏𝒈 𝑵𝒉𝒂̣̂𝒕:

田子の浦に

うち出でてみれば

白妙の

富士の高嶺に

雪は降りつつ

𝑷𝒉𝒊𝒆̂𝒏 𝒂̂𝒎:

Tago no ura ni

Uchi idete mireba

Shiratae no

Fuji no takane ni

Yuki wa furitsutsu

𝑫𝒊𝒆̂̃𝒏 𝒚́:

Từ bãi biển Tago mà nhìn,

Đỉnh núi Fuji xa xa,

Như đang khoác lớp áo trắng,

Tuyết vẫn rơi không ngừng.

𝑫𝒊̣𝒄𝒉 𝒕𝒉𝒐̛:

Bãi Tago đứng ngắm,

Đỉnh Phú Sĩ xa xa.

Tuyết vẫn còn đổ trắng,

Ngọn núi ánh như sa.

Thơ lục bát:

Bãi Tago nhìn xa khơi,

Tuyết còn rơi mãi trắng trời Fuji.

Bạn đã từng đặt chân tới đây hay chưa? Hãy để lại comment hoặc đơn giản là chia sẻ những hình ảnh đẹp của bạn tại nơi đây nếu như bạn đã từng ghé thăm Núi Phú Sĩ nhé.

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục: